Theo Daily Mail, Apple giảm được khoảng 35 USD chi phí trên mỗi iPhone mà công ty bán ra nhờ lược bỏ phụ kiện đóng gói kèm sản phẩm. Tính từ cuối 2020 đến đầu 2022, Apple bán được khoảng 190 triệu chiếc iPhone, nên số tiền hãng tiết kiệm được vào khoảng 6,5 tỷ USD.
Con số ước tính trên bao gồm cả chi phí sản xuất phụ kiện và vận chuyển. Trước đó, giới chuyên gia tính toán việc thu nhỏ kích thước hộp đựng cho phép Apple giảm phí nguyên liệu làm hộp, cũng như tăng 70% số iPhone trên mỗi pallet, từ đó giảm được 40% chi phí vận chuyển so với trước đó.
Số tiền này chưa tính đến doanh số bán củ sạc và tai nghe rời. Người dùng nếu có nhu cầu cần chi thêm 19 USD cho củ sạc 20 W và số tiền tương tự cho tai nghe Earpods. Còn nếu chuyển qua AirPods, họ cần ít nhất 129 USD.
Dù không phải chi hàng tỷ USD khi cắt giảm phụ kiện, Apple vẫn không giảm giá iPhone mới, thậm chí tăng giá một số model. Theo PhoneArena, con số 6,5 tỷ USD có thể là một trong những mấu chốt giúp công ty của Tim Cook tăng lợi nhuận, còn ông cũng được hưởng hàng trăm triệu USD tiền thưởng năm ngoái.
Ben Wood, nhà phân tích của CCS Insight, đánh giá số liệu trên có cơ sở. "Apple là một trong những công ty dẫn đầu thị trường smartphone. Họ cũng nỗ lực bảo vệ môi trường và việc loại bỏ sạc, tai nghe là một trong số hành động thể hiện điều đó. Tất nhiên, Apple cũng sẽ tiết kiệm được chi phí khi bỏ bộ sạc và tai nghe", ông nói.
Apple từ chối bình luận về số liệu, nhưng nhấn mạnh việc cắt giảm sạc, tai nghe giúp giảm hơn hai triệu tấn khí thải carbon, tương đương 500.000 ôtô không ra đường mỗi năm.
Kể từ năm 2020, hộp đựng iPhone không còn chứa củ sạc và tai nghe. Apple khẳng định quyết định này nhằm tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hãng sau đó nhận nhiều chỉ trích, thậm chí bị kiện, bị phạt hoặc buộc phải bán trở lại phụ kiện này ở một số thị trường.
Theo báo cáo của Counterpoint Research năm ngoái, việc bỏ phụ kiện bên trong cùng chi phí làm hộp rẻ hơn giúp Apple tiết kiệm 4,2 USD trên mỗi chiếc iPhone 12 so với iPhone 11.